Trong thời đại mà phát triển kinh tế cần phải đi đôi với bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đóng vai trò ngày càng quan trọng. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn kiến thức toàn diện về đánh giá tác động môi trường – từ khái niệm, quy định pháp lý đến mục đích, vai trò và các nội dung quan trọng của báo cáo ĐTM.
Đánh giá tác động môi trường là gì?
Khái niệm ĐTM theo quy định pháp luật
ĐTM là từ viết tắt của đánh giá tác động môi trường.
Theo đó, căn cứ khoản 7 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020 có nêu:
Đánh giá tác động môi trường là quá trình phân tích, đánh giá, nhận dạng, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư và đưa ra biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Như vậy có thể hiểu ĐTM là quá trình phân tích, đánh giá, dự báo mọi sự ảnh hưởng đến môi trường từ các dự án đầu tư. Từ đó, chủ thể thực hiện ĐTM có trách nhiệm đề xuất các giải pháp thích hợp về bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Mục đích của đánh giá tác động môi trường
Theo Lan Gilpin, đánh giá tác động môi trường có những mục đích chính sau:
-
ĐTM nhằm cung cấp một quy trình xem xét tất cả các tác động có hại đến môi trường của các chính sách, chương trình và của các dự án. Nó góp phần loại trừ cách “đóng cửa” ra quyết định như vẫn thường làm trước đây, không tính đến ảnh hưởng môi trường trong các khu vực công cộng và tư nhân.
-
ĐTM tạo ra cơ hội để có thể trình bày với người ra quyết định về tính phù hợp của chính sách, chương trình, hoạt động, dự án về mặt môi trường, nhằm ra quyết định có tiếp tục thực hiện hay không.
-
Đôi với các chương trình, chính sách, hoạt động, dự án được chấp nhận thực hiện thì ĐTM tạo ra cơ hội trình bày sự phối kết hợp các điều kiện có thể giảm nhẹ tác động có hại tới môi trường.
-
ĐTM tạo ra phương thức để cộng đồng có thể đóng góp cho quá trình ra quyết định, thông qua các để nghị bằng văn bản hoặc ý kiến gửi tới người ra quyết định.
-
Với ĐTM, toàn bộ quá trình phát triển được công khai để xem xét một cách đồng thời lợi ích của tất cả các bên: bên đề xuất dự án, Chính phủ và cộng đồng.
Vai trò của đánh giá tác động môi trường
ĐTM đạt được nhiều ý nghĩa, song có thể nêu bốn ý nghĩa cơ bản mà ĐTM mang lại là:
-
ĐTM là công cụ quản lý môi trường quan trọng. Song nó không nhằm thủ tiêu, loại trừ hoặc gây khó dễ cho phát triển kinh tế – xã hội như nhiều người lầm tưởng mà hỗ trợ phát triển theo hướng đảm bảo hiệu quả kinh tế bảo vệ môi trường. Vì vậy nó góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững. Điều đó thể hiện qua một số điểm cụ thể sau:
a) ĐTM khuyến khích công tác Quy hoạch tốt hơn và giúp cho dự án hoạt động hiệu quả hơn.
b) ĐTM có thế tiết kiệm được thời gian và tiền của trong thời hạn phát triển lâu dài. Qua các nhân tố môi trường tổng hợp, được xem xét đến trong quá trình ra quyết định ở giai đoạn quy hoạch của các cơ sở, địa phương và Chính phủ sẽ tránh được những chi phí không cần thiết, tránh được những hoạt động sai lầm mà hậu hoạ của nó phải khắc phục một cách rất tốn kém trong tương lai.
c) ĐTM giúp cho Nhà nước, các cơ sở và cộng đồng có mối liên hệ chặt chẽ hơn. Các đóng góp của cộng đồng trước khi dự án được đầu tư, đảm bảo hiệu quả đầu tư dược nâng cao, góp phần cho sự phát triển thịnh vượng chung trong tương lai.
-
ĐTM không xét các dự án một cách riêng lẻ mà đặt chúng trong xu thế phát triển chung của khu vực, của quốc gia và rộng hơn là toàn Thế giới. Khi đánh giá một dự án cụ thể, bao giờ cũng xét thêm các dự án, phương án thay thế, nghĩa là xét đến các dự án có thể cho cùng đầu ra, nhưng có công nghệ sử dụng khác nhau hoặc đặt ở vị trí khác.
-
ĐTM huy động được sự đóng góp của đông đảo tầng lớp trong xã hội. Nó góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý, của chủ dự án đến việc bảo vệ môi trường. Đồng thời ĐTM liên kết được các nhà khoa học ở các lĩnh vực khác nhau, nhằm giải quyết công việc chung là đánh giá mức độ tác động môi trường các dự án.
-
ĐTM còn giúp kết hợp các công tác bảo vệ môi trường trong thời gian dài. Mọi tác động được tính đến không chí qua mức độ mà còn theo khả năng tích lũy, khả năng kéo dài theo thời gian.
Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường
Căn cứ Điều 30 Luật Bảo vệ môi trường 2020 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 1 Điều 109 Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 có quy định:
Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường
1. Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường bao gồm:
a) Dự án đầu tư nhóm I quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật này;
b) Dự án đầu tư nhóm II quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 4 Điều 28 của Luật này.
2. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này không phải thực hiện đánh giá tác động môi trường khi thuộc trường hợp sau đây:
a) Dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công;
b) Dự án đầu tư hoặc phương án khai thác khoáng sản nhóm IV theo quy định của pháp luật về địa chất, khoáng sản của tổ chức được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, lựa chọn là nhà thầu thi công để phục vụ các dự án quan trọng quốc gia, dự án đầu tư công khẩn cấp, công trình, hạng mục công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định của pháp luật về đầu tư công, thực hiện các biện pháp huy động khẩn cấp để kịp thời ứng phó với tình huống khẩn cấp về thiên tai, thi công các công trình phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai.
Theo đó, chỉ những dự án nhóm I và một số dự án nhóm II phải được thực hiện đánh giá tác động môi trường, cụ thể các dự án này bao gồm:
– Tất cả dự án đầu tư nhóm I:
+ Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn; dự án thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại; dự án có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất;
+ Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường; dự án không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
+ Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển với quy mô lớn hoặc với quy mô trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
+ Dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên nước với quy mô, công suất lớn hoặc với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
+ Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất quy mô trung bình trở lên nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
+ Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư với quy mô lớn.
– Một số dự án đầu tư nhóm II:
+ Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển với quy mô trung bình hoặc với quy mô nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
+ Dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên nước với quy mô, công suất trung bình hoặc với quy mô, công suất nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
+ Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất với quy mô nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
+ Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư với quy mô trung bình.
Trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường
Đánh giá tác động môi trường có bắt buộc phải do chủ đầu tư thực hiện hay không?
Căn cứ Điều 31 Luật Bảo vệ môi trường 2020 có quy định:
Thực hiện đánh giá tác động môi trường
1. Đánh giá tác động môi trường do chủ dự án đầu tư tự thực hiện hoặc thông qua đơn vị tư vấn có đủ điều kiện thực hiện. Đánh giá tác động môi trường được thực hiện đồng thời với quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.
2. Kết quả đánh giá tác động môi trường được thể hiện bằng báo cáo đánh giá tác động môi trường.
3. Mỗi dự án đầu tư lập một báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Như vậy, pháp luật môi trường hiện nay cho phép chủ dự án đầu tư tự thực hiện đánh giá tác động môi trường. Hoặc có thể thông qua đơn vị tư vấn có đủ điều kiện thực hiện mà không cần tự mình thực hiện.
Nội dung chính của báo cáo đánh giá tác động môi trường
Căn cứ khoản 1 Điều 32 Luật Bảo vệ môi trường 2020 nội dung chính của báo cáo đánh giá tác động môi trường gồm:
– Xuất xứ của dự án đầu tư, chủ dự án đầu tư, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư; căn cứ pháp lý, kỹ thuật; phương pháp đánh giá tác động môi trường và phương pháp khác được sử dụng (nếu có);
– Sự phù hợp của dự án đầu tư với Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan;
– Đánh giá việc lựa chọn công nghệ, hạng mục công trình và hoạt động của dự án đầu tư có khả năng tác động xấu đến môi trường;
– Điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, đa dạng sinh học; đánh giá hiện trạng môi trường; nhận dạng các đối tượng bị tác động, yếu tố nhạy cảm về môi trường nơi thực hiện dự án đầu tư; thuyết minh sự phù hợp của địa điểm lựa chọn thực hiện dự án đầu tư;
– Nhận dạng, đánh giá, dự báo các tác động môi trường chính, chất thải phát sinh theo các giai đoạn của dự án đầu tư đến môi trường; quy mô, tính chất của chất thải; tác động đến đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên, di tích lịch sử – văn hóa và yếu tố nhạy cảm khác; tác động do giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư (nếu có); nhận dạng, đánh giá sự cố môi trường có thể xảy ra của dự án đầu tư;
– Công trình, biện pháp thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải;
– Biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực khác của dự án đầu tư đến môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường (nếu có); phương án bồi hoàn đa dạng sinh học (nếu có); phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường;
– Chương trình quản lý và giám sát môi trường;
– Kết quả tham vấn;
– Kết luận, kiến nghị và cam kết của chủ dự án đầu tư.
Căn cứ pháp lý để lập báo cáo đánh giá tác động môi trường
Việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hiện nay căn cứ vào các văn bản pháp luật chính sau:
- Luật Bảo vệ môi trường 2020
- Nghị định 08/2022/NĐ-CP
- Thông tư 02/2022/TT-BTNMT
- Luật Đầu tư công 2019
Ngoài ra, tùy vào lĩnh vực hoạt động, dự án đầu tư có thể căn cứ vào các văn bản pháp luật của các lĩnh vực khác như: Các quy định về xây dựng, các quy định về sản xuất, các quy định về tài nguyên nước, v.v…
Lý do phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường
Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là một quá trình quan trọng vì nó mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.
Chính vì thế, việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là thực sự cần thiết và quan trọng vì các lý do sau:
-
Xác định tác động từ sớm: Báo cáo đánh giá tác động môi trường nhằm xác định rõ ràng với doanh nghiệp ngay từ đầu, liệu dự án và quá trình hoạt động dự án bên doanh nghiệp có ảnh hưởng đến môi trường xung quanh hay không.
-
Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường: Báo cáo đánh giá tác động môi trường nhằm nâng cao ý thức của doanh nghiệp trong vấn đề bảo vệ môi trường, là bằng chứng cho sự chịu trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp nếu sau này khi hoạt động dự án không còn đạt được tiêu chuẩn như hồ sơ xin cấp phép ban đầu.
-
Yếu tố quyết định sự phê duyệt: Báo cáo đánh giá tác động môi trường quyết định xem dự án hoạt động của doanh nghiệp có được thông qua không. Đồng thời chúng thể hiện được tầm nhìn chiến lược dài hạn khi phát triển KT-XH được đi đôi với bảo vệ môi trường.
Những thách thức trong thực hiện đánh giá tác động môi trường
Trong số các chủ đầu tư, tồn tại không ít trường hợp vẫn chưa nhận thức rõ mức độ ô nhiễm đối với môi trường. Họ xem ĐTM chỉ đơn thuần chỉ là thủ tục pháp lý nhằm đối phó với sự kiểm tra, kiểm soát từ cơ quan nhà nước.
Thậm chí có khá nhiều người xem ĐTM là “vật cản” làm gián đoạn các hoạt động sản xuất – kinh doanh. Trong suy nghĩ đó, le lói một vài ý nghĩ như làm cho lấy lệ, và việc quan trọng nhất vẫn chủ yếu xuất phát từ việc cấp phép để dự án sớm đi vào hoạt động nhưng lại bỏ qua các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng môi trường.
Chưa kể đến vấn đề xuất các phương án giảm thiểu tác động còn quá đơn giản, sơ sài và thậm chí thiếu sự logic, không mang tính khả thi cao. Song song, nhiều biện pháp vẫn còn làm ngơ hoặc có đầu tư nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mức độ đơn giản.
Kết luận
Đánh giá tác động môi trường là một công cụ quan trọng trong quản lý và bảo vệ môi trường, đồng thời hỗ trợ phát triển bền vững. Thông qua ĐTM, các dự án đầu tư được đánh giá toàn diện về mặt tác động môi trường, từ đó đưa ra các biện pháp giảm thiểu phù hợp trước khi triển khai.
Mặc dù còn tồn tại một số thách thức trong thực hiện, nhưng không thể phủ nhận vai trò quan trọng của ĐTM trong việc đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Mỗi doanh nghiệp, chủ đầu tư cần nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của ĐTM và nghiêm túc thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Với khung pháp lý ngày càng hoàn thiện và nhận thức ngày càng cao của xã hội, ĐTM sẽ tiếp tục phát huy vai trò là công cụ hiệu quả trong bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sống của chúng ta.
Vì vậy để tình trạng môi trường trong tương lai không trở nên nghiêm trọng hơn thì mỗi doanh nghiệp cần nhận thức đúng về hoạt động lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và nghiêm túc thực hiện nó một cách hiệu quả nhất.